Du khách tham quan chùa chiền và hang động tại Thủy Sơn có thể đi bằng hai con đường: cổng phía Tây của núi gồm có 156 bậc tam cấp dẫn đến chùa Tam Thai hoặc lên cổng phía Đông gồm có 108 bậc dẫn lên chùa Linh Ứng, đa số du khách đều lên núi theo cổng phía Tây và đi xuống bằng cổng phía Đông.
Động Hóa Nghiêm – Núi Thủy Sơn
Từ chùa Tam Thai đi theo cổng phía sau chùa, rẽ sang bên trái là đường dẫn đến động Hóa Nghiêm và động Huyền Không, hai động này ở sát bên nhau nhưng động Hóa Nghiêm ở phía trước. Trước khi vào động Hóa Nghiêm và động Huyền Không du khách phải đi qua một cổng chính, xây bằng vôi vữa, trên vòm cổng có khắc 3 chữ Hán “Huyền Không Quan” (玄 空 關).

Bên trong động Hoa Nghiêm có thờ tượng Phật Bà Quan Thế Âm, tượng bằng đá, điệp màu với núi đá, cao gần vòm động. Tượng Phật do các nghệ nhân của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước tạo dựng từ những năm 1960.
Bên phải của tượng Phật Quan Âm là bia ma nhai “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” được khắc trực tiếp vào vách động. Bia được lập vào năm Canh Thìn (1640), đây là một trong những bia có niên đại xưa nhất ở Ngũ Hành Sơn. Bia có hình chữ nhật, kích thước 147cm x 65 cm, đỉnh tạo hình ovan; trán bia trang trí quả cầu lửa ở giữa, hai bên trang trí ¼ đóa hoa hướng dương; ngay dưới trán bia chạm 6 hình ô vuông gờ nổi, trong mỗi ô vuông khắc một đại tự và ghép thành tên của bia là “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật”; diềm hai bên trang trí dây leo. Đế bia chạm hình hoa sen cách điệu và đặt trên một chiếc hộp chân quỳ. Lòng bia có 23 chữ Hán, khắc theo kiểu khải thư, nét không sâu, ca ngợi vị hoàng đế đương thời và công đức của 53 vị tín chủ.
Nội dung văn bia cho biết: Phạm Văn Nhân, tự là thiền sư Huệ Đạo Minh, [người] xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, [hiện trú tại] xứ Quảng Nam nước Đại Việt. Nghĩ thấy dấu vết của Phật quá sụp nát, khuyên mời những người hiểu biết chung bỏ của nhà, hết lòng việc thiện để sửa chữa và dựng mới, trên là động núi Phổ Đà mới xây, dưới là chùa Bình An làm lại. Hai cảnh đã hoàn thành. Sau khi gọi thợ xây dựng xong xuôi nhanh chóng, nhà sư ở lại điều khiển việc đốt hương cúng Phật, hướng về tam bảo để đối với trên thì đền bốn ơn phải trả, đối với dưới thì vớt ba đường nghiệp ác, nguyện cùng sống ở nước Cực lạc. Dấu vết của Phật lưu truyền mãi mãi. Phần sau của văn bia liệt kê danh tính những người phụng cúng tiền bạc cho việc dựng chùa. Trong số này có nhiều người đến từ các địa phương khác, chứ không chỉ ở vùng lân cận. Ngoài ra, có một số người ngoại quốc lạc cúng tiền bạc và được liệt danh cụ thể.
Ngoài ra, trên vách động Hóa Nghiêm còn lưu lại một số bút tích khắc chạm bằng chữ Hán – Nôm của du khách, trong đó có bài thơ của Bố chánh tỉnh Quảng Nam, Loan Pha Trần Văn Thống, khắc chạm vào mùa xuân năm Tân Hợi thời Duy Tân
Chữ Hán – Nôm:
天 奇 地 秀 鬱 名 山
僧 佛 神 僊 會 此 間
天 載 吟題 無 剩 句
登 臨 惟 爇 辨 香 還
維 新 莘亥 春 三 月
廣 南 備 藩 湾 玻 陳 文 統 元 生 試
在 華 嚴 洞 璧
Phiên âm:
Thiên kỳ địa tú uất danh san (sơn)
Tăng, phật, thần, tiên hội thử gian
Thiên tải ngâm đề vô thặng cú
Đăng lâm duy nhiệt biện hương hoàn
Duy tân, Tân Hợi xuân, tam nguyệt
Quảng Nam bị phiên, Loan Pha Trần Văn Thống tự Nguyên Sinh ghi tại Hoa Nghiêm động bích.
Dịch văn xuôi:
Thiên nhiên kỳ tuyệt, địa thế lạ thường đúc kết thành cảnh núi non nổi tiếng. Đây là nơi hội ngộ của tăng phật, thần tiên. Hàng ngàn năm các thi gia ngâm vịnh về cảnh này không hề có một câu thừa. Lên đây chỉ có lòng nhiệt thành thắp nén hương rồi về.
Dịch văn vần:
Kỳ tuyệt danh sơn giữa đất trời
Thần, tiên, bụt, sãi ấy là nơi…
Ngàn năm ngâm vịnh không thừa chữ
Đến tỏ lòng thành thắp nén hương
Tháng 3, mùa xuân năm Tân Hợi, niên hiệu Duy Tân. Bố chính tỉnh Quảng Nam, Loan Pha Trần Văn Thống tự Nguyên Sinh ghi tại vách đá động Hoa Nghiêm.[1]
Hay bài ca trù gồm 132 chữ (cả chữ Hán và chữ Nôm) ca ngợi Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn của tác giả Tiểu Cao, tên tự của Nguyễn Văn Mại, người xã Niêm Phò, nay là xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.
THẠCH ĐỘNG HUYỀN KHÔNG
Đường vào thạch động Huyền Không rất tối khó đi và bước xuống hơn 20 bậc cấp nằm sâu xuống hơn 5m so với động Hoa Nghiêm. Trên vách đá khắc ba chữ lớn “Huyền Không Động”. Động hình tròn giống như chiếc chuông úp sấp xuống dần quí khách, nền động bằng phẳng được lát bằng gạch Kim Thành sạch sẽ, chu vi độ 25m, chiều cao từ đỉnh xuống nền động khoảng 16m. Vòm động tiếp xúc với không gian bên ngoài bằng 5 lỗ hổng mổ tự nhiên mang ánh sáng và không khí vào cho động. Ánh sáng xuyên qua màu xanh của lá cây từ đỉnh động chiếu xuống tạo nên vẽ đẹp lung linh và huyền ảo, động khô ráo, không ẩm ước và tối tăm như nhều hang động khác. Ngay dưới bậc cấp bước vào động, hai bên là 4 tượng của các vị Thiện và Ác cưỡi trên 4 con thú có diện mạo kỳ quái tượng trưng cho các loài quỷ dữ. Bốn tượng này người ta gọi là tứ Kim Cang hộ pháp, tức là bốn vị thần gác của động.

Trên cao là tượng Phật Thích Ca, cao 3m được làm vào năm 1960 bởi nghệ nhân nổi tiếng làng đá mỹ nghệ Non Nước tên là Nguyễn Chất. Phía dưới là bàn thờ Phật Địa Tạng Vương Bồ Tát…
Bên phải là đền thờ bà Ngọc Phi hay còn gọi là bà Chúa Tiên, bà rất linh thiêng, là nơi để cho du khách cầu tài, cầu lộc. Tương truyền rằng bà là vợ của Ngọc Hoàng Thượng Đế hiện thân hạ giới chăm lo đời sống muôn dân. Hàng năm cứ vào ngày 2 đến ngày 8 tháng 3 âm lịch du khách hội tụ về đây cúng bái rất đông.
Bên trái là đền thờ bà Lôi Phi em bà Ngọc Phi hay còn gọi là bà Chúa Thượng Ngàn (cai quản núi rừng) cũng không kém phần linh thiêng là nơi du khách cầu nguyện sức khỏe thượng lộ bình an và vạn sự an lành.
Trang Nghiêm Tự

Kế bên là ngôi đền nhỏ gọi là Trang Nghiêm Tự rất cổ kính, được xây dựng vào năm 1825. Trang Nghiêm Tự được chia thành ba gian, gian chính thờ tượng Phật Quan Âm, gian bên trái thờ ba vị Quan Thánh tức là Quan Công, Quan Bình và Quan Châu Xương là ba nhân vật trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa của Trung Hoa tượng trưng cho đức độ, trí dũng và lòng trung thành.
Đặc biệt gian bên trái thờ Ông Tơ Bà Nguyệt, nơi các đôi trai gái đến cầu duyên hoặc cầu sinh con khỏe mạnh, chóng lớn và khôi ngô, tuấn tú. Đây cũng là nơi cho những người hiếm muộn con đến cầu tự mong sinh được con.
Ẩn mình trên vách đá là chiết trống đá thiên tạo khi du khách úp lòng bàn tay vỗ vào trống, âm thanh sẽ phát ra vang dội cả vòm động. Gần Trang Nghiêm Tự có một hang nhỏ gọi là Thạch Nhủ Cốc, du khách phải rọi đèn mới nhìn thấy rõ, bên trong có hai mõm đá tròn thòng xuống trông giống như cặp nhủ hoa. Tương truyền rằng chiếc vú đá bên ngoài nhỏ nước đục, còn chiếc bên trong nhỏ nước trong. Khi vua Thành Thái đến đây làm lễ trai đàn cầu quốc thái dân an đã vô tình sờ tay vào chiếc bên ngoài, vì thế chiếc vú này hiện nay không còn chảy nước nữa. Lần bước theo sau ngôi đền nhỏ, nhìn lên quí khách sẽ thấy những nhiễu đá bám vào vách động tạo nên những hình thù hết sức kỳ thú, nơi thì giống như con hạc hay con đà điểu, hình hai đầu voi với chiếc vòi thả xuống, nơi giống con cò cùng chiếc mỏ dài nhọn ép vào vách động, nơi khác là một bàn tay cầm dâng cao lên nóc động…
Trước vẽ đẹp thiêng liêng đó, nhà thơ nổi tiếng Tản Đà viết nên hai câu thơ như muốn gọi quí khách về thăm cõi Phật:
“Rủ nhau lên động Huyền Không
Bụi trần rủ sạch như không có gì”.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, động Huyền Không là căn cứ hoạt động bí mật của cán bộ lãnh đạo địa phương và du kích. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ ngụy đã biến động Huyền Không thành nơi huấn luyện biệt kích đồng thời cũng là nơi dồn trú của nhiều đơn vị Mỹ – ngụy. Mùa xuân Mậu Thân năm 1968 quân giải phóng đã đánh bật chúng ra khỏi nơi đây, đồng loạt tấn công nhiều căn cứ lân cận và sân bay quân sự Nước Mặn. Hang động trở thành trạm giải phẩu và nơi cất giấu thương binh của quân giải phóng. Tiêu biểu nhất là trận đánh của anh hùng Phan Hiệp trong chiến dịch X2 nổ ra trong đêm 22 rạng ngày 23/8/1968.
Trong trận đánh này quân ta tiêu diệt hoàn toàn sinh lực địch, làm chủ thế trận và dành thắng lợi hoàn toàn. Sau trận đánh này, đơn vị tiểu đoàn 1 được bộ chỉ huy quân giải phóng tặng huân chương chiến công hạng nhất. Đại đội trưởng Phan Hiệp được nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và được đổi tên là Phan Hành Sơn.
Động Vân Thông – Núi Thủy Sơn
Tiếp tục qua Cổng trời, đây là cổng đá tự nhiên, một sự sắp đặt rất kỳ lạ của tạo hóa tạo nên một con đường liên hoàn giữa chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng. Đi giữa hai cổng trời, quí khách sẽ có cảm giác như đi trong lòng hòn non bộ khổng lồ. Giữa hai cổng trời là động Vân Thông, đây là hang động nằm trên vách núi cao từ miệng hang thông lên đỉnh trời khoảng 40m, phải qua những đoạn gồ ghề quanh co hiểm trở có những đoạn chỉ có một người chui qua, lên được đỉnh trời tuy có gây go mệt nhọc nhưng quí khách sẽ thỏa lòng ngắm trời biển bao la trong một không gian thoáng rộng.
Động Vân Thông, còn gọi là “đường lên trời”, nằm gọn trong lòng núi, đường vào động tối, càng vào sâu càng hẹp và thông lên đỉnh núi.
Giữa động có một tượng Phật bằng đá lớn, cao 205cm, ngang thân 50cm, tượng tư thế đứng, tay duỗi thẳng theo thân, tay trái giương cao ra phía trước, thế bắt ấn.

Ngoài ra, trong động có tấm bia ma nhai khắc trực tiếp vào vách động, ghi dòng chữ Hán “Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Diệt Lạc”, nay chữ trên bia đã bị mòn mờ, rất khó đọc. Bia được dựng vào năm Tân Mùi (1631), thời chúa Nguyễn, tạo hình khá kiểu cách, có tính tượng trưng. Đó là hình ngôi chùa nhỏ với mái che và các góc uốn cong. Khoảng cách giữa mái che và lòng bia được cắt thành chín ô, mỗi ô khắc một chữ, ghi tên bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc. Diềm hai bên và dưới trang trí kiểu hoa và dây leo. Bia có chiều cao 74 cm, rộng 64 cm; trán bia cao 14 cm; diềm bia rộng 4 cm. Lòng bia khắc 14 dòng chính văn. Nội dung văn bia cho biết: Tỳ kheo Huệ Đạo Minh, xã Du Xuyên, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt trú trì khai sáng, trùng tu, đốt hương chúc thánh, hồi hướng tam bảo để lưu truyền vạn đời. Phổ nguyện phụ mẫu, chúng sinh pháp giới, một lòng quy mệnh ở thế giới cực lạc A Di Đà Phật. Tiếp theo là những lời nguyện và tán thán Phật pháp của vị tỳ kheo.
Động Vân Thông còn gọi là đường lên trời, trước động thờ tượng Phật ADIĐA, phía sau tượng Phật là lối đi lên đỉnh trời. Đến Ngũ Hành Sơn, đa số du khách muốn được một lần lên trời và xuống âm phủ. Vì thế đường lên trời và hang Âm Phủ là điểm tham quan ấn tượng nhất đối với khách du lịch.
Hang Vân Nguyệt – Núi Thủy Sơn
Theo con đường phía sau chùa Tam Thai đi về hướng đông, hang Vân Nguyệt nằm ở bên trái, là một hang lộ thiên rất sáng, phía tây là động Thiên Phước Địa, phía đông là hang Vân Căn Nguyệt Quật, trên mỗi cửa hang đều có khắc tên bằng chữ Hán. Phía bắc Vân Căn Nguyệt Quật là cửa vào hang Thiên Long, hang này sâu thăm thẳm, thông với hang Gió ở phía sau chùa Linh Ứng.
Ở phía nam hang Vân Nguyệt, trên lưng chừng sườn núi có một cửa động hình tròn, đó là động Vân Thông.
Động Thiên Long – Núi Thủy Sơn
Động Thiên Long nằm bên trong động Thiên Phước Địa, cạnh cổng trời – Hang Gió Đông, động nằm sát vách núi và ăn sâu xuống lòng đất tạo hang sâu thẳm và không có đường đi xuống. Lòng hang vừa sáng, vừa tối có nhiều tảng đá nhấp nhô lớn nhỏ như miệng rồng nên có tên gọi là Thiên Long. Tuy nhiên, đáy động ăn thông với Hang Gió của động Tàng Chơn nằm sau chùa Linh Ứng.
Động Tàng Chơn – Núi Thủy Sơn
Nằm ở phía sau lưng chùa Linh Ứng, lối vào động được lót bằng gạch. Động khá lớn và sáng, có diện tích 10mx7m, chia làm 3 hang và 3 động.
Miếu Linh Động Chơn Tiên

Từ ngoài vào, qua một vòm cửa đá thiên tạo là miếu Linh Động Chơn Tiên. Miếu được dựng năm Minh Mạng thứ 6, hình thức miếu giống với Trang Nghiêm tự ở động Huyền Không. Miếu có 3 gian thờ: gian giữa thờ tượng Phật Thích Ca bằng đá (trước đây thờ Thái Thượng Lão Quân), gian hữu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu – tượng nữ thần bằng đá sa thạch màu nâu xám, mang phong cách tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình Champa, gian tả thờ Tam Đa và Bát Tiên.
Động Tam Thanh

Ở giữa là động Tam Thanh, có hai tượng Hộ Pháp dựng ở lối vào, động sáng sủa, nền có lót gạch Chăm rải rác. Trước kia, động thờ 3 vị Thượng Thanh, Thái Thanh và Ngọc Thanh, ngày nay đã thay bằng hai pho tượng : Phật Thích Ca tọa thiền và Phật Thích Ca nhập niết bàn bằng đá. Trong góc bên trái có một đường cấp dẫn đến một hang bằng phẳng, gió mát lạnh đó là hang Gió hay là hang Thần Thượng (tức là hang của các bậc bề trên), hang thông với hang Thiên Long, gió lùa thoáng mát theo các lỗ thông tới đỉnh và động Chơn Tiên. Góc bên phải là hang Dơi hay hang Ráy, có ngách thông lên đỉnh núi, trong hang có nhiều dơi trú ngụ. Trong góc phía đông động Chơn Tiên có một phiến đá hình vuông gọi là Bàn Cờ, góc này còn gọi là góc Động Bàn Cờ.

Bên phải của miếu Linh Động Chơn Tiên là hang Chiêm Thành, lối vào hẹp, trong hang tối, có một đài thờ mang phong cách nghệ thuật Đồng Dương, chiếm phần lớn diện tích của lối vào hang. Đài thờ chia làm hai phần, phần đế có chiều ngang (mặt chính diện) là 2,87m, chiều cao 0,35m, không chạm trổ hoa văn, phần thân được chia là hai gồm phần cắt dọc bên phải và bên trái, nhưng có kính thước bằng nhau với chiều cao là 0,87m và chiều nang là 1,14m được chạm trổ cùng một kiểu thức hoa văn đó là những cánh hoa sen cách điệu thành hình kỷ nằm đối xứng nhau, ở chính giữa tác phẩm còn thể hiện hình tượng một cây sen có cả lá và hoa nhưng chưa được cách điệu với đường nét chạm trổ mộc mạc, đơn giản. Trên phần thân đài thờ mỗi bên đặt hai bệ đá hình chữ nhật thể hiện hình tượng các vị thần Hộ Pháp, theo dạng phù điêu, hai bệ đá này đều có kích thước bằng nhau với chiều ngang 1,2m, chiều cao 0,64, tượng thần Hộ pháp cao 0,53m. Riêng tác phẩm bên trái tượng thần Hộ pháp chạm theo dạng thức phù điêu nhưng rất đơn giản có những chi tiết cho thấy tác phẩm đang chạm dở dang, chưa hoàn chỉnh, gương mặt thần có vẻ hung dữ hơn thần Hộ pháp ở tác phẩm bên phải. Tay phải của thần đang cầm một thanh gươm trong tư thế giơ cao ra phía sau, còn tay trái cầm vật gì không rõ. Còn tác phẩm ở bên phải cũng cùng một kiểu thức, nhưng tượng Hộ pháp chạm sắc sảo hơn, đường nét đi vào chi tiết với gương mặt của thần trông phúc hậu, hiền lành, thần đang cầm một thanh gươm trên tay phải, đầu mũi gươm chúc xuống đất, tay trái cầm vật gì như mũi giáo, hai chân dang ra trong tư thế tấn công. Cả hai hình tượng thần Hộ pháp chưa được mô tả một cách thanh thoát, hơi gò ép khi đặt bên trong một khung hình chữ nhật với những diềm hoa hình con sâu rối rắm, nên càng trông nặng nề, tuy vậy, nhìn chung các tác phẩm ở hang Chiêm Thành là những tác phẩm có giá trị với hình tượng các vị thần Hộ pháp được chạm theo dạng phù điêu, rất ít thấy trong thời kỳ nghệ thuật Phật giáo Đồng Dương, thường các Hộ pháp được người Chăm mô tả ở dạng khối tròn và kích thước lớn hơn.
Phía trong cùng, sát vách hang Chiêm Thành có một bộ linga – yoni bằng đá. Linga có hai phần, phần trên là khối trụ lục giác nhỏ, phần dưới cũng có hình dạng tương tự nhưng kích thước lớn và dài hơn. Còn Yoni là khối tròn, xung quanh trang trí các núm vú căng tròn.
Hang Âm Phủ – Núi Thủy Sơn
Nằm ở phía nam sườn núi Thủy Sơn và do kiến tạo độc đáo của thiên nhiên nên hang Âm Phủ đã trở thành một trong những hang động lớn và huyền bí nhất ở núi Ngũ Hành Sơn; cũng như các hang động khác ở núi Ngũ Hành Sơn, hang Âm Phủ cũng có ngách thông ra bên ngoài, nên quanh năm có gió lùa, vì vậy, lúc nào hang động cũng khô ráo, mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 18 đến 20oc.

Cửa hang trước kia hẹp, ngày nay đã mở rộng, nên đường vào hang dễ dàng hơn. Khi đi vào miệng hang, phải lên một số bậc cấp và qua những vòm đá cong vút, tối mờ như một đường hầm xuyên núi, gập ghềnh, từ đó đi dần vào bên trong hang động.
Tương truyền rằng vua Minh Mạng khi vi hành Ngũ Hành Sơn đã cho lính cầm đuốc xuống thám hiểm lòng hang nhưng lần lượt cả 12 bó đuốc đều tắt nên không thể xuống được. Về sau, nhà vua cho lấy một quả bưởi ghi chữ rồi thả vào hang, hôm sau quả bưởi được tìm thấy trên bờ biển Non Nước, điều này chứng tỏ hang được ăn thông ra biển.
Bên trong hang Âm Phủ đã được cải tạo mô phỏng thế giới “Âm phủ” – thế giới của người chết – theo quan niệm luân hồi của Phật giáo, và có 02 bia lưu niệm về các trận đánh ở hang Âm Phủ, ghi lại chiến công của du kích và bộ đội địa phương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tài liệu ôn thi chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch
Tham gia group zalo và xem tài liệu ghim: https://zalo.me/g/jdzexu807
- Tổng hợp tài liệu ôn thi chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch
- Đơn đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế
- Bí quyết chuẩn bị hồ sơ cấp thẻ HDV siêu tốc
- Hướng dẫn thi nghiệp vụ hướng dẫn du lịch online
- Câu hỏi tình huống
- Đề cương Nghiệp vụ Hướng dẫn du lịch (Có đáp án)
- CÁC BÀI THUYẾT MINH MIỀN TRUNG
Liên hệ 0704499995 để thi cấp tốc chứng chỉ nghiệp vụ HDV tỉ lệ đậu 99%.
“Hỗ trợ” tạo điều kiện phụ tour trước và sau khi có thẻ.
2,165 total views, 1 views today